Thứ năm, 16/05/2024

Nâng chất lượng nền hành chính phục vụ từ chuyển đổi số

Thứ sáu, 20/10/2023

Thời gian qua, với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của nền hành chính phục vụ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp trong hệ thống chính trị toàn tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số (CĐS) để nâng cao chất lượng phục vụ.

Chúng tôi đến UBND xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình vào ngày đầu tuần nhưng khá vắng vẻ, chỉ có vài người dân đến nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Trò chuyện với ông Đoàn Văn Đường ở thôn Hải Nạp, chúng tôi được biết, ông đến nhận cùng lúc 3 kết quả TTHC: Giấy xác nhận đối tượng trợ cấp xã hội cho bố, cài đặt mã định danh điện tử và lấy giấy khai sinh cho cháu nội. Tất cả thủ tục này đều được công chức xã Yên Hòa tiếp nhận hồ sơ và đưa lên hệ thống một cửa điện tử của xã, sau đó chuyển đến từng phòng, ban chức năng giải quyết. Được cán bộ giải quyết TTHC hướng dẫn cụ thể, ông Đường dễ dàng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nên giải quyết rất nhanh và nhận kết quả tất cả TTHC mà không phải đi lại nhiều.

Trao đổi với các công chức ở bộ phận một cửa UBND xã Yên Hòa, chúng tôi được biết, hiện 100% TTHC thuộc thẩm quyền của xã giải quyết đều được thực hiện trên hệ thống một cửa điện tử. Thông qua hệ thống, người dân ở nhà vẫn có thể biết hồ sơ của mình đang được giải quyết bởi công chức nào, xử lý đến đâu và chờ thông báo thời gian nhận kết quả. Đây là thành quả bước đầu từ quá trình CĐS toàn diện của xã. Từ năm 2020, Yên Hòa là một trong 12 xã trên cả nước được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn thí điểm đột phá CĐS cấp xã trong Chương trình “Xây dựng xã thông minh”. 

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí An Nhật Thành, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa cho biết, CĐS là để phục vụ người dân tốt hơn, rút ngắn thời gian, quy trình, thủ tục, giảm phiền hà cho nhân dân. Vì thế, bài học kinh nghiệm quan trọng đầu tiên khi thực hiện CĐS là xã luôn xác định lấy người dân làm trung tâm và từng khâu, từng bước CĐS đều phải lấy nhân dân làm chủ thể. Trên cơ sở đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thế nào là CĐS, CĐS ở lĩnh vực nào và lợi ích từ CĐS thì quá trình triển khai thực hiện mới thuận lợi, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân.

 

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Đến nay, xã Yên Hòa đã xây dựng được những nền tảng cơ bản trong CĐS, như chính quyền số, xã hội số, kinh tế số... Trong đó, xã xây dựng được nhiều hệ thống giao tiếp giữa chính quyền và người dân như: Hệ thống tin nhắn SMS; ứng dụng “Công dân số”; trang thông tin của xã trên Zalo, hệ thống camera an ninh phủ 100% địa bàn; xây dựng mã địa chỉ bưu chính cho 100% cơ quan, hộ gia đình trên địa bàn qua nền tảng bản đồ số; triển khai thanh toán điện tử qua mã QR; chính quyền xã xử lý văn bản điện tử, chữ ký số... Tại bộ phận một cửa giải quyết TTHC được bố trí quét mã QR thanh toán tiền, quét mã đánh giá cán bộ, công chức để lãnh đạo địa phương nắm bắt và kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ.

Theo đồng chí Hoàng Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã Yên Hòa, những kết quả quan trọng thu được từ quá trình CĐS ở Yên Hòa là: Giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của xã nhanh chóng; cấp ủy, chính quyền gần dân hơn thông qua nhiều phương thức giao tiếp với dân trên môi trường số và tận dụng tối đa mọi kênh trên nền tảng số để nắm bắt dư luận xã hội cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con nhanh nhất. Ví như xã thành lập các nhóm trên mạng xã hội Zalo, mỗi thôn xóm có một kênh riêng trên Zalo, công khai số điện thoại đường dây nóng để nhân dân liên hệ với lãnh đạo. Hay như thông qua ứng dụng "Công dân số", bà con nắm tin tức trong xã và phản ánh thông tin ở cơ sở... 

Quá trình khảo sát tại Ninh Bình, chúng tôi nhận thấy, công tác CĐS ở địa phương được tiến hành đồng bộ, bài bản từ cấp tỉnh cho đến cơ sở; qua đó nâng cao hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình (hoạt động từ tháng 10-2020) hiện đang “tích hợp” cán bộ công chức, viên chức, người lao động của 23 cơ quan, đơn vị của tỉnh để giải quyết toàn bộ TTHC liên quan đến lĩnh vực chuyên môn. Năm 2022, Trung tâm đã tiếp nhận, luân chuyển, trả kết quả giải quyết 99.261 hồ sơ TTHC, tăng hơn 20% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm tiếp nhận 55.428 hồ sơ, tỷ lệ trả kết quả đúng và trước hạn là 99,98% và 100% hồ sơ được tiếp nhận, xử lý, ký số trên môi trường điện tử....

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình khẳng định, công tác cải cách hành chính, CĐS được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với quyết tâm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Để cụ thể hóa phần việc này, Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là về xây dựng chính quyền điện tử, CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định rõ nguồn lực triển khai (1% ngân sách tỉnh). Nhờ đó, năm 2021, tỉnh Ninh Bình đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố cả nước về CĐS; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước xếp thứ 12 toàn quốc. Năm 2022, Ninh Bình nằm trong tốp 5 địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất...

nguồn: MINH MẠNH/qdnd.vn

Chính quyền và người dân
Truyền thanh

Dữ liệu đang được cập nhật

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
81771

Trực tuyến: 6

Hôm nay: 248

Hôm qua: 0